“Nói chuyện” với cụ rùa là trí tuệ nhân tạo (AI), viết thư pháp bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tham quan di tích trong môi trường ảo; dùng AI để thiết kế thời trang, kiến trúc; nghệ nhân làng ứng dụng công nghệ để bán sản phẩm thủ công… Công nghệ đang tác động sâu sắc đến công nghiệp văn hoá. Với Hà Nội, nơi được mệnh danh là Thủ đô của di sản, số hoá di sản, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch văn hoá được ưu tiên hàng đầu và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
AI “can thiệp” hầu hết các lĩnh vực
Bức tranh khổng lồ của Victor Tardieu, với kích thước 11x7m với hơn 200 nhân vật khác nhau nằm trong giảng đường Nguỵ Như Kon Tum (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trước đây là Đại học Đông Dương rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội) là “nhân vật chính” trong tổ hợp triển lãm “Cảm thức Đông Dương” diễn ra tại Đại học Khoa học Tự nhiên.
Đến triển lãm, công chúng được khám phá bức tranh này ở những “chiều kích” khác nhau, đặc biệt là qua triển lãm video art “Thăng đường thập nhất” tại chính giảng đường này. Thăng đường nhập thất là dòng chữ lớn, viết bằng chữ Nho trên cổng tam quan ở vị trí trung tâm của bức tranh trở thành tên gọi không chính thức cho tác phẩm.
Tác phẩm Thăng đường thập nhất “mới” được dựng từ ảnh đen trắng gốc xử lý qua công nghệ số, kết hợp video art và hình ảnh động được thực hiện bởi nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Viên Hồng Quang và nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Tiến sĩ Phạm Long. Tác phẩm này khiến các nhân vật trong tranh “động đậy” và khi Cảm thức Đông Dương mở cửa, bức tranh đã thu hút đông đảo công chúng.
Bức họa của Victor Trardieu trở nên sống động “như thật” qua lăng kính của nghệ thuật sáng tạo kết hợp cùng công nghệ AI (Ảnh: Eventus Tín Lê)
Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo “học” màu qua tranh sơn dầu gốc, kết hợp video art và chuyển động (animation), làm bức tranh “sống” lại với những con người như đang hiện diện trong thế giới “thật” trong tranh. Đây chính là một điển hình của công nghệ trong công nghiệp văn hoá.
AI “can thiệp” vào nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hoá. Một trong những lĩnh vực AI có ảnh hưởng lớn là kiến trúc. AI không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa các quy trình từ khảo sát hiện trạng đến thiết kế tích hợp và quản lý vận hành công trình mà còn mang đến những trải nghiệm sáng tạo thông qua khai thác dữ liệu liên quan cả về kỹ thuật lẫn cảm xúc. Nhờ đó, kiến trúc sư có thể vận dụng AI để tạo ra những thiết kế bền vững mang tính thẩm mỹ cao và thân thiện với người dùng.
Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo và thiết kế kiến trúc” do Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 đã có nhiều ý kiến thảo luận quanh chủ đề này
Nghiên cứu số hóa dữ liệu kiến trúc trong chuyển đổi số, Tiến sĩ – Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến nhận đính, kiến trúc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội và công nghệ. Kiến trúc sư hiện nay có thể khai thác các dữ liệu trừu tượng một cách hệ thống và hiệu quả hơn, nhờ các ứng dụng AI trong quá trình thiết kế. Bên cạnh đó, công nghệ còn thúc đẩy số hóa tài liệu, hình ảnh và mô hình kiến trúc để bảo tồn, lưu trữ, trưng bày, phát huy các giá trị kiến trúc Việt Nam.
Còn Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thành cho rằng, tuy AI vẫn chỉ là một công cụ, không thể thay thế con người và AI chỉ hoạt động tốt khi kiến trúc sư cung cấp dữ liệu đầu vào đủ tốt, nhưng kiến trúc sư có thể sử dụng công cụ AI trong các giai đoạn thiết kế kiến trúc như nghiên cứu ban đầu (tìm kiếm ý tưởng, hỗ trợ nghiên cứu ban đầu về bài thiết kế, hỗ trợ làm thuyết minh phương án thiết kế), tìm ý (tạo ra các phương án kiến trúc theo phong cách và nội dung thiết kế đúng yêu cầu), phát triển ý tưởng từ những bản vẽ sơ phác…
Không chỉ AI được ứng dụng trong mỹ thuật, kiến trúc, AI còn hỗ trợ đắc lực cho hoạt động phát triển các trò chơi giải trí điện tử, thiết kế, thời trang…, chưa kể, những lĩnh vực này còn có nhiều ứng dụng tiện lợi sẵn có từ trước.
Động lực cho du lịch văn hoá
Hà Nội là Thủ đô di sản, với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hoá phi vật thể và 1.350 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong các lĩnh vực công nghiệp văn hoá, du lịch văn hoá luôn là thế mạnh của Thủ đô. Công nghệ đã và đang tạo động lực mới cho du lịch văn hoá.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám vốn không xa lạ với cộng đồng. Nhưng khi tour trải nghiệm đêm Tinh hoa đạo học ra đời, những người đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhiều lần vẫn muốn đến… thêm lần nữa. Công nghệ đã làm thay đổi trải nghiệm của công chúng khi tương tác với di sản. Nổi bật trong hành trình khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ban đêm là màn tương tác với “cụ rùa” bằng công nghệ AI. Khách tham quan có thể đưa ra rất nhiều câu hỏi khác nhau và được “cụ rùa” – một hình ảnh gắn liền với bia đá sẽ đáp lời đầy thú vị. Nếu câu hỏi khó quá, “cụ rùa” có thể đưa ra phương án trả lời đầy hài hước là: Cụ cao tuổi quá rồi nên quên mất…
Công nghệ 3D Mapping khiến hành trình càng trở nên thú vị. Tuy nhiên, hấp dẫn nhất là màn trình diễn 3D tại khu Nhà Thái học. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những nét đẹp văn hoá. Những câu chuyện liên quan đến đạo học, trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam được “kể” qua chủ đề: Trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành, cá chép hóa rồng, rồi những khó khăn, thách thức mà mỗi người cần phải vượt qua... Cách xử lý gam màu, ánh sáng một cách tinh tế khiến di sản được tôn lên nét đẹp. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, các di sản đều đang trong lộ trình chuyển đổi số tất yếu đang diễn ra và Trung tâm đã khai thác thế mạnh của công nghệ để tăng sức hút cho di sản. Hoạt động này nằm chỉ là một trong nhiều hoạt động số hoá di sản mà Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai, như bán vé điện tử, thuyết minh tự động, số hoá toàn bộ hiện vật di tích… Nhờ những “trợ thủ” công nghệ này mà di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám tăng cường trải nghiệm cho khách, giúp di tích gần gũi hơn với mọi lứa tuổi.
Tour “Tinh hoa đạo học” là 1 trong 20 “tour đêm” hút khách du lịch với nhiều hiệu ứng áp dụng công nghệ số hóa hay 3D mapping sống động
Tour Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ là một trong nhiều hoạt động số hoá di sản để phát triển du lịch trên địa bàn Hà Nội. Quá trình số hoá được triển khai ở nhiều cấp độ, nhiều khâu liên quan đến hoạt động du lịch văn hoá. Trong đó, nổi bật nhất là việc quảng bá, giúp khách có thể “du lịch thử”. Từ du lịch “thử”, thúc đẩy du lịch “thật”. Quận Hai Bà Trưng là địa phương đầu tiên số hoá toàn bộ 51 di tích trên địa bàn với tên gọi “360 độ Di tích lịch sử - văn hóa Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội” (địa chỉ: https://haibatrung.hanoi.vietnaminfo.net/). Đây là kho dữ liệu đồ sộ về di sản trên địa bàn quận. Các quận, huyện khác như: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Tây Hồ… đều triển khai trang web, ứng dụng sử dụng công nghệ ảnh 360 độ để giới thiệu về du lịch văn hoá trên địa bàn.
Riêng quận Hoàn Kiếm còn triển khai app Ẩm thực Hoàn Kiếm, không những giới thiệu ẩm thực phố cổ, danh sách những nhà hàng, quán ăn nổi tiếng mà còn cung cấp địa chỉ liên lạc, phương thức đặt chỗ, đặt món ngay trên ứng dụng. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Hà Nội đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp văn hoá thứ 13 của Hà Nội - ẩm thực (hiện Chính phủ Việt Nam công nhận 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, riêng Hà Nội bổ sung thêm lĩnh vực thứ 13 là ẩm thực).
Ứng dụng (App) Ẩm thực Hoàn Kiếm như một trong những công cụ hỗ trợ thúc đẩy cho ngành công nghiệp văn hóa thứ 13 của Hà Nội
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, các địa chỉ du lịch lớn đều triển khai ứng dụng công nghệ ở nhiều khâu khác nhau, từ triển lãm trên không gian số, thuyết minh tự động, cho đến bảo tàng ảo, hoặc ứng dụng mạng xã hội để tương tác, quảng bá. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, giúp khách có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu. Hoạt động tham quan trực tuyến cũng đem lại cho bảo tàng hàng trăm triệu đồng doanh thu.
Ngay cả các làng nghề thủ công mỹ nghệ, việc ứng dụng công nghệ để quảng bá, thu hút khách du lịch, bán hàng từ xa cũng đang được ứng dụng rộng rãi.
Cần một nhạc trưởng
Tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, bảo đảm 100% các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số.
Tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 cũng bàn nhiều về công nghệ với bảo tồn văn hóa tuy nhiên để điều phối hoạt động này không đơn giản (Eventus Tín Lê)
Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nội triển khai các hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản nói chung, phát huy giá trị di sản trong hoạt động du lịch nói riêng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua việc số hoá có những bước tiến, nhưng cũng có những “bước lùi”. Điển hình như không ít di sản đã có trang web giới thiệu, hoặc có app riêng, nhưng sau đó lại có cơ quan, đoàn thể khác làm mã quét QR, từ mã QR dẫn đến link giới thiệu di sản. Điều này gây lãng phí không cần thiết. Việc số hoá di sản trên địa bàn cần một “nhạc trưởng” để điều tiết các hoạt động. Bản thân việc mỗi quận, huyện lại triển khai những trang web hay ứng dụng riêng cũng cần xem xét kỹ lưỡng hơn, bởi có những di sản nằm trên những quận, huyện khác nhau, nhưng lại có thể tạo thành những tuyến liên thông, có thể hình thành tour du lịch khi kết nối các di sản này. Một nhạc trưởng sẽ khai thác, phát huy tối đa những dữ liệu, giải pháp khổng lồ đã triển khai; và đưa ra những giải pháp mới để đem lại hiệu quả cao nhất.